Một năm trôi qua trong nháy mắt.
Như em đã thấy.
“Rồi bọn mình gặp lại nhau.”
“Ừ.”
“Trước khi gặp lại anh, không biết em sống thế nào? Em có quên anh không?”
Anh không biết, tôi trả lời.
“Em không kể cho anh, và anh cũng không muốn hỏi.”
“Như vậy mà được sao?”
“Chẳng sao cả. Anh có thể hình dung được em đã khổ tâm thế nào, anh hiểu đây là quyết định sau khi em đã suy nghĩ kỹ.”
Nhưng em rất hài lòng, em nói.
“Em có quyết định như vậy nên em mới có cuộc sống như hôm nay đúng không?”
“Đúng rồi.”
Với một cử chỉ thân mật chưa từng có, Mio ngả đầu vào ngực tôi. Một cử chỉ chứa đựng vô số ngôn từ. Tất nhiên là những ngôn từ về tình yêu.
“Anh kể tiếp đi.” Mio nói.
Tôi tiếp tục.
Không biết tại thuốc anh uống hồi ấy có tác dụng, các buổi tư vấn đem lại hiệu quả, hay phương pháp trị liệu theo y học phương Đông mà anh áp dụng thử một thời gian đã thành công và vào mùa hè năm hai mươi tuổi, anh đã gần trở lại như xưa một cách kì diệu.
Anh hiểu, đây có thể chỉ là phản ứng tạm thời, không kéo dài. Giống như tù nhân được ban cho ít thời gian ra ngoài vận động rồi lại phải trở về phòng giam chật hẹp.
Nếu đúng là thế thì anh muốn tận dụng khoảng thời gian này để làm những điều có thể, và anh đã làm một chuyến đi dọc đường bờ biển bằng chiếc Scooter.
Anh đã rất mãn nguyện với cuộc sống trong vòng bán kính một trăm ki-lô-mét.
Tất nhiên anh không thể trở lại giống như hồi xưa. Ký ức về thời kỳ khủng hoảng cũng tạo ra vấn đề rắc rối khác là “Những lo lắng được tiên liệu”. Trong bộ dạng của kẻ dò dẫm tìm đường, anh từng bước rời khỏi nhà để đến những vùng đất xa xôi.
Đi được nửa chặng, anh chuyển lộ trình hướng về nội địa. Anh định sẽ đi vòng theo kiểu số 8 chứ không đi theo hình chữ O.
Rồi một ngày, anh được nghe giọng nói của em sau một năm trời không gặp.
Hàng ngày anh đều gọi điện về nhà. Anh đi trong tình trạng không tốt nên bố mẹ anh rất lo. Hồi đấy, điện thoại di động chưa phổ biến nên anh gọi về nhà bằng điện thoại công cộng theo kiểu người nghe trả tiền để thông báo rằng hôm nay anh vẫn ổn.
Hôm đó, mẹ anh nghe điện thoại và nói với anh.
Em để lại lời nhắn.
Em nhắn có chuyện cần nói nên muốn anh gọi cho em. Theo kiểu người nghe cần trả tiền (thật đúng tính cách của em). Em sẽ đợi đến khi nào anh gọi. Đây là câu em muốn nhắn với anh.
Không được để con gái đợi. Đây không phải là lời nhắn của em, đây là lời của mẹ anh.
Anh đã hiểu.
Không biết em có chuyện gì?
Bao nhiêu ý nghĩ ập đến với anh.
Anh tưởng tượng ra toàn chuyện không hay xảy đến với em. Anh vốn mắc bệnh lo lắng thái quá nên anh chẳng nghĩ ra được chuyện gì tốt đẹp. Anh toàn tưởng tượng ra chuyện xấu, nào là em bị ốm, bị thằng nào đó lừa gạt, giày em đi bị gãy gót.
Nếu em đi tìm sự an ủi ở người yêu đã chia tay một năm trước trong hoàn cảnh như vậy, anh sẵn sàng chìa vai ra cho em. Anh muốn an ủi em. Việc em chỉ có thể dựa vào bờ vai xác xơ này đã nói lên tình trạng khẩn cấp của em, ruột gan anh như có lửa đốt. Anh dốc cạn số tiền xu trong túi, đặt lên bàn điện thoại.
Anh thận trọng bấm từng số điện thoại nhà em. Anh không dùng dịch vụ người nghe trả. Dù sao anh vẫn có lòng tự trọng.
Sau một tiếng chuông, em nghe máy.
Anh hơi bất ngờ vì không nghĩ em lại nghe điện ngay.
“Aio phải không?”
Em hỏi khi thấy đầu dây bên anh im lặng.
“Ừ. Tớ đây.”
“A, đúng giọng Aio rồi.”
Tim anh ấm lại khi được nghe giọng của em sau một năm trời.
“Cậu đợi điện thoại của tớ à? Thấy cậu nghe máy ngay.”
“Ừ. Tớ nghĩ thế nào cậu cũng sẽ gọi.”
“Ồ?”
“Ừ.”
Tiếng em thì thào.
Anh hỏi.
“Có chuyện gì vậy? Cậu nhắn tớ phải gọi ngay.”
“Aio này.”
“Ừ?”
“Giờ cậu đang ở đâu?”
“Tớ đang đi du lịch. Chỗ tớ ở cách nhà cậu khoảng ba trăm ki-lô-mét.”
“Tớ bảo này.”
“Ừ.”
“Tớ… đến chỗ cậu nhé?”
Im lặng.
“A lô.”
“Ừ.”
“Cậu vừa đi đâu à?”
“Tớ vẫn ở đây. Trong buồng điện thoại, tay cầm ống nghe.”
“Vậy trả lời tớ đi.”
“Ừ. Tớ hơi bất ngờ.”
“Bất ngờ, rồi sao nữa?”
“Và vui. Rất vui. Nhưng mà…”
“Không sao đâu.”
“Ừ. Không sao đâu.”
“Không sao hả?”
“Ừ.”
Trước sự tự tin đến khó hiểu của em, chúng mình hẹn gặp nhau hai ngày sau đó tại một thị trấn nọ.
Mãi sau này anh mới biết, hôm đó là ngày nhộn nhịp nhất trong năm của thị trấn nằm ở độ cao bảy trăm mét so với mực nước biển này. Gần năm trăm nghìn người đã kéo đến đây để xem màn pháo hoa được bắn từ giữa hồ. Năm trăm nghìn là con số rất lớn, nhiều hơn cả dân số của Công quốc Manaco hay Công quốc Liechtenstein. Thế có nguy hiểm không cơ chứ.
Em đến gặp anh mà không hề biết điều này. Liệu chúng mình có gặp được nhau không? Anh chỉ còn biết chờ đợi và hy vọng.
Anh chạy khắp thị trấn tìm mũ bảo hiểm xe máy cho em.
Anh sẽ đưa em đội chiếc mũ màu đỏ có kính chắn gió phía trước anh đang dùng, còn anh sẽ tìm mũ khác.
Vì không đủ tiền mua mũ mới nên anh định sẽ thuê ở cửa hàng xe máy. Mãi anh mới tìm được một cửa hàng thì ở đó chỉ còn mỗi chiếc mũ loại nửa đầu cũ rích.
Loại mũ của mấy bà già hay đội đi chợ ấy. Chiếc mũ tơi tả chưa từng thấy. Thật chẳng ra sao nếu đội mũ này đi gặp em, nhưng anh càng không thể để em đội một chiếc mũ như vậy.
Vì sắp đến giờ hẹn nên anh cứ thế nhảy lên chiếc Scooter, phóng ra chỗ đường vòng trước cửa ga – nơi chúng mình hẹn gặp. Trời vẫn chưa tắt nắng nhưng có rất nhiều vị khách sốt sắng đã đến bằng ô tô. Đường xá đông nghịt.
Khi anh đến được chỗ đường vòng thì tàu đã vào ga được mười phút. Trước cửa ga đã đầy ắp khách đến xem pháo hoa bằng tàu hỏa.
Anh đưa mắt tìm em giữa biển người. Có rất nhiều cô gái trạc tuổi em nhưng anh không thấy em. Anh nhìn đồng hồ, đã quá giờ hẹn mười năm phút.
Hay là em không đến?
Không thể có chuyện đó.
Sau khi trấn tĩnh lại anh ngồi thụp xuống.
Anh đang chờ đợi điều gì đây? Gặp lại em, sau đó sẽ thế nào? Tình hình của anh có khác gì so với một năm trước đâu?
Anh đứng bần thần giữa đám người qua lại với chiếc mũ bảo hiểm bẩn trên đầu. Tiếng cười nói của bọn họ dường như đều có chung một ngụ ý:
Chúng ta sắp có một buổi tối tuyệt vời, tuyệt, tuyệt vời!
Tất cả đều hứng khởi. Tất cả đều mong chờ buổi tối tuyệt vời.
Anh cũng thế. Tính cho đến năm phút trước.
“Aio ơi?”
Anh ngẩng lên thì bắt gặp khuôn mặt đầm đìa nước mắt của em giữa đám đông.
“Cái mũ đó,” em thở phào nhẹ nhõm, mỉm cười với anh, “có vẻ không hợp với cậu lắm.”
“Ừ.” anh nói.
“Bọn mình đi thôi. Một buổi tối tuyệt vời đang chờ đợi.”
Sẩm tối chúng tôi có mặt bên bờ hồ.
Anh không hỏi lý do tại sao em ở đây, em cũng không có ý định hỏi cảm giác của anh thế nào. Anh vui vì được gặp em, nhưng anh cũng hoang mang lắm. Anh không biết, đây chỉ là sự kiện đặc biệt của riêng hôm nay hay sẽ là sự khởi đầu của tương lai sau này.
Trông em khá thoải mái. Nét mặt em như muốn
Chương 14
“A, Yuji !”
Tôi choàng tỉnh bởi giọng nói đàn ông quen thuộc văng vẳng bên tai.
“Xem này, ta mang quà đến cho cậu đây.”
Có vẻ như tôi ngủ dậy muộn. Tôi chui ra khỏi chăn, tay dụi mắt đi về phía bếp. Trên bàn đã có sẵn bữa sáng, Mio đang đứng rửa gì đó bên bồn rửa.
“Chào em.”
“Chào anh. Anh ngủ ngon không?”
“Anh ngủ say như chết.”
“Thế à, tốt quá.”
“Trời!” Tiếng của Yuji.
“Con lại bị lừa kìa.”
“Thật ra,” tôi nói khi ngồi vào bàn ăn,” khi em ốm, anh đã cố gắng chu toàn mọi việc trong mà, nhưng mà …”
“Anh làm không tốt lắm”, tôi nói.
“Lúc anh quên, lúc lại không cẩn thận, có lúc lại lười vì mệt.”
“Thế nên hai bố con mới mặc quần áo bẩn và để nhà cửa thế này?”
“Ừ.”
Có vẻ Mio chưa hài lòng lắm với lời giải thích của tôi, tuy nhiên cuối cùng nàng cũng gật đầu.
“Em hiểu rồi. Nghĩa là kiểu gì em cũng không được ốm.”
“Ừ.”
“Em đã nói thế đúng không?”
“Hả?”
“Em đã nói là không sao đâu.”
“À, ừ.”
“Vậy thì em phải cố gắng thôi.”
“Em hết đau đầu chưa?”
“Em ổn. Chỉ hơi đau chút thôi, giờ đỡ hơn rồi.”
“Tốt quá.”
“Cảm ơn anh.”
Có chuyện này, tôi nói.
“Chiều nay em đi chợ cùng anh nhé?”
“Cùng anh?”
“Anh muốn em gặp một người.”
“Em?”
Tôi gật đầu.
“Một người rất thân với gia đình mình. Biết đâu việc này sẽ giúp em phục hồi trí nhớ.”
“Em thấy háo hức quá.”
“Ừ.”
“Đó là thầy Nombre,” Yuji nói. “Nombre ..”
“Người mà mẹ sẽ gặp chiều nay. Thầy Nombre.”
“Là thầy giáo à?”
“Ngày xưa thôi,” tôi nói. “Ngày xưa ông ấy là giáo viên tiểu học.”
“Cả con Pooh nữa.”
Mio nhìn tôi ngạc nhiên.
“Khi nào gặp em sẽ hiểu,” tôi nói.
Buổi chiều, ba chúng tôi đến trung tâm mua sắm mua súp lơ xanh, thịt lợn muối, nấm và kem tươi. Trên đường về, chúng tôi ghé vào công viên số 17.
Thầy Nombre và con Pooh đã có mặt ở công viên. Tôi bảo Mio và Yuji đứng ngoài để tôi vào trước. Trông thấy tôi, thầy Nombre liền vẫy tay.
“Chào thầy.”
“Ừ.”
“Thầy chuẩn bị tinh thần chưa ạ?”
“Rồi. Tôi sẽ không bất ngờ đâu.”
“Còn chuyện này nữa, cô ấy đã mất hết trí nhớ.”
“Cậu có nói rồi.”
“Cô ấy cũng không biết mình chỉ là hồn ma.”
“Chuyện đó thì đương nhiên.”
“Vì vậy mà em không nhắc đến chuyện một năm trước. Em vờ như vẫn sống với cô ấy suốt cả năm qua.”
“Như vậy là hơn. Bởi sự thật đau buồn quá.”
“Vậy nên.”
“Tôi hiểu rồi. Cậu đừng lo.”
Tôi gật đầu, quay lại vẫy tay gọi Mio và Yuji.
“Cô ấy sắp đến đấy ạ.”
Tôi thì thầm với thầy Nombre.
“Ừ.”
Mio dắt tay Yuji đi về phía chúng tôi. Đến nơi, Yuji sán lại chơi ngay với con Pooh.
“Em chào thầy,” Mio nói.
“Chào em. Tôi nghe nói em chẳng nhớ gì cả?”
“Vâng. Phiền phức quá thầy ạ.”
“Em cũng không nhớ tôi là ai?”
Xin lỗi thầy, Mio nói.
“Em biết thầy là thầy Nombre. Nhưng em không nhớ được.”
Thầy Nombre mỉm cười.
“Đến chồng em còn chẳng nhớ, nếu em nhớ được tôi thì sẽ có vấn đề mất.”
“Vâng.”
Tôi có cảm giác rất lạ khi nhìn Mio và thầy Nombre trò chuyện. Dường như nàng vẫn hiện hữu trên thế giới này. Tôi đã ngỡ mình nằm mơ khi chỉ mỗi tôi và Yuji trông thấy nàng. Nhưng không phải.
Nàng đang ở đây.
Thầy Nombre và Mio đang nhắc lại chuyện lần đầu hai người gặp nhau.
“Em tết tóc hai bên. Mặc tạp dề, tay xách bịch túi ni lông đi chợ.”
“Cũng tại đây ạ ?”
“Ừ. Vợ chồng em hồi ấy nhìn như học sinh cấp III. Giờ trông em vẫn trẻ lắm.”
Hai em rất hạnh phúc.
Thầy Nombre nói.
“Ngày nào cũng ngập tràn hạnh phúc. Đó là hình ảnh hai em hồi ấy. Tôi chẳng có duyên được như thế nên cũng ghen tị lắm.”
“Vì bọn em cố gắng lắm mới được ở bên nhau.”
“À, chuyện đó tôi cũng có nghe. Lần đi xem pháo hoa phải không? Tôi gặp hai em vào mùa xuân năm sau đó.”
Mio quay sang nhìn tôi.
“Đúng đấy em. Sau lần hội ngộ ấy, đến mùa xuân năm sau thì mình cưới. Năm chúng mình hai mươi hai tuổi. Anh xin được việc làm nên chúng mình chuyển đến thị trấn này.”
“Em lúc nào cũng lo cho cậu Takkun. Kể cả lúc ngồi nói chuyện ở đây, chốc chốc em lại quay sang hỏi cậu ấy là có sao không?”
“Em ạ?”
“Em đấy Mio à. Vì cậu ấy mới đi làm, sức khoẻ lại không được tốt. Tôi hiểu là dù phải có gắng nhiều nhưng em rất hạnh phúc.”
Mio lại nhìn tôi, tôi nhún vai.
Không đến mức đó đâu em.
“Rồi em có bầu. Em vui mừng báo tin cho tôi biết.”
“Yuji đang ở trong bụng em…”
“Hả?” Yuji hỏi.
“Ngày xưa con ở trong bụng mẹ. Nhờ có con mà nhìn bố mẹ trông lúc nào cũng như hai người hạnh phúc nhất trên thế giới.”
“Thế hả?”
“Ừ.” Mio nói.
“Mẹ cháu,” thầy Nombre nói. “Hồi chưa sinh cháu, mẹ cháu quả quyết cháu sẽ là con trai nên đã đi mua quần áo bé trai từ rất sớm.”
“Đúng rồi, cho nên Yuji ra đời, mẹ nhẹ cả người. Thế là số quần áo mẹ mua không bị lãng phí.”
Ồ, Yuji thích thú lắng nghe, sau đó thằng bé nói với Mio.
“Mẹ ơi, đây là con Pooh.”
Con Pooh nhích lại phía Mio, sủa “~?”
“Giọng của nó?” Mio nhìn thầy Nombre.
“Trước khi tôi nhận nuôi, nó đã bị phẫu thuật để không sủa được rồi .”
“~?”
“Nhưng nó chẳng bận tâm đâu. Cục cưng của tôi đấy.”
Nào, thầy Nombre nói.
“Chúng ta sắp phải về rồi.”
Thầy Nombre giơ cái túi ni lông cầm trong tay lên.
“Tôi đang nóng lòng muốn ăn cái này.”
“Cá trích hả thầy?”
“Ừ. Hôm nay cũng được giảm nửa giá. Vui thế chứ.”
Mio này, thầy Nombre gọi.
“Dạ.”
“Hôm nào gặp lại nhau nhé.”
“Vâng.”
“Em…”
Nói đến đây thầy Nombre hơi ngập ngừng. Bàn tay cầm túi ni lông của thầy khẽ run run.
“Em hơi giống cô em gái tôi. Không thể nói là giống ở điểm nào nhưng cử chỉ của em…”
Thật thân thuộc.
“Tôi nhớ lại hồi xưa. Mỗi lần đi làm về, tôi lại kể chuyện xảy ra trong ngày cho em tôi.”
Thầy Nombre khẽ gật đầu trước câu nói của mình.
“Thật không phải khi bắt em phải nói chuyện với một ông già như tôi, nhưng em đến đây nữa nhé.”
“Tất nhiên em sẽ đến. Hy vọng thầy sẽ kể cho em nhiều chuyện hơn nữa.”
Thầy lại gật đầu trước khi quay lưng bước đi. Con Pooh vội vàng đuổi theo sau.
Chào nhé.
Yuji vẫy tay tạm biệt.
Chương 15
Mio dần dần lấp đầy các khoảng trống mà nàng tạo ra.
Từng chút một.
Mỗi lần tỉnh dậy lúc nửa đêm, tôi lại nghe thấy hơi thở đều đều của nàng bên cạnh Yuji. Tôi đã quen với hơi thở của người vợ chỉ còn là hồn ma, giống như lão ngư đã quen với tiếng sóng.
Điều này khiến tôi thấy vui.
Câu chuyện bắt đầu từ mùa xuân năm mười lăm tuổi đã kéo dài được đến mùa hè năm chúng mình hai mươi ba tuổi.
Sinh Yuji xong, ngực em đẫy đà đến khó tin. Bầu ngực ngày xưa e lệ là thế, nay đã kiêu hãnh ngửa mặt lên trời. Những đường gân màu xanh nhạt tạo thành những hoa văn tuyệt đẹp như vân lá cây. Sữa của em lúc nào cũng dồi dào như suối nước dưới chân núi. Mỗi lần bú xong Yuji lại được rửa mặt bằng sữa mẹ. Lúc nào ngực em căng sữa là lúc Yuji đòi ăn.
“Sắp đến giờ ăn rồi,” em bảo. “Khi nào đói, con sẽ khóc.”
Quả đúng như em nói.
Em và con lúc nào cũng gần với nhau như một.
Hồi này, em bắt đầu yếu đi, em cố làm những điều có thể cho Yuji mặc dù bản thân không còn khoẻ. Yuji vẫn còn là một sinh vật kỳ lạ chưa cứng cáp, vì vậy chúng mình chăm sóc con rất thận trọng.
Cả hai cùng tắm cho con, anh bế Yuji, còn em thì dùng miếng gạc để lau cho thằng bé. Khi em cho con bú, anh có nhiệm vụ vỗ lưng cho con. Khi Yuji quấy khóc không chịu ngủ, anh đặt con nằm lên bụng mình, em nằm bên cạnh hát ru.
À ơi à ơi, à ơi ……
Thế là con sẽ ngủ ngay.
Anh lúng túng nhìn Yuji nằm trên bụng mình thở khò khè. Anh sẽ phải nằm im một lúc. Mỗi lần như vậy, anh lại thấy rất thông cảm với con chim cánh cụt Bố.
Cuối tuần, ba chúng tôi đi vào rừng.
Mio đạp chiếc xe thường ngày tôi vẫn dùng đi làm. Nàng đạp xe khá thành thạo, dù đã mất trí nhớ.
Hai mẹ con Mio và Yuji đi tìm cỏ bốn lá ở bìa rừng. Mỗi lần tôi chạy một vòng về, hai mẹ con lại khoe tôi thành quả thu được. Bao nhiêu là cỏ bốn lá. Hình như đây là lãnh địa của cỏ bốn lá thì phải.
Một lãnh địa hạnh phúc!
Thời gian lặng lẽ trôi.
Chưa có dấu hiệu kết thúc mùa mưa.
Ngày nào chúng tôi cũng gặp thầy Nombre. Mio rất hào hứng nghe thầy Nombre kể chuyện về hai vợ chồng. Buổi tối, tôi lại tiếp tục quản công việc đó của thầy Nombre.
Từ đầu tiên Yuji nhớ được là “Mệ mệ”. Không rõ thằng bé dùng từ này để gọi mẹ hay để gọi sữa mẹ nữa. Có thể với Yuji khi ấy, mẹ và sữa mẹ là một khối tổng hòa không thể tách rời.
Mệ mệ.
Yuji dùng từ này để đòi mẹ và thứ chất lỏng ấm nóng sẽ giúp nó no bụng.
Yuji chưa bao giờ gọi anh là “Bố”. Mio gọi anh là “Takkun” nên thằng bé học luôn từ này. Người đàn ông gầy gò, mang gương mặt ốm yếu kia chính là “Takkun”.
“Em cũng gọi anh là Takkun?”
“Ừ. Sau khi lấy nhau, chúng mình quy định gọi anh như vậy.”
“Quy định?”
“Ừ. Vì chúng mình là một cặp vợ chồng nghiêm túc. Mọi chuyện đều phải quy định rõ ràng.”
“Không được gọi là ‘chồng’ sao?”
“Không hẳn. Em gọi anh theo nhiều cách, tùy tâm trạng. Lúc là ‘Takkun’, lúc lại là ‘Aio’. Chúng mình chỉ quy định cách gọi cơ bản thôi.”
“Giờ anh thích được gọi thế nào?”
Tôi suy nghĩ một chút rồi trả lời nàng.
“Tên nào anh cũng thích. Vì tất cả đều là anh.”
“Nghĩa là gọi ‘chồng’ cũng được?”
“Được. Anh quen rồi mà.”
“Vậy từ giờ đến lúc hồi phục trí nhớ, em sẽ gọi anh là ‘chồng’ nhé?”
Chương 16
Tuần lễ thứ hai, chúng tôi cũng đi vào rừng dịp cuối tuần.
Tảng sáng trời mới tạnh mưa.
Mưa đọng thành giọt trên lá cây, mặt đất ẩm ướt.
Chúng tôi thong thả bước đi trên con đường nhỏ. Mio và Yuji xuống xe để dắt bộ.
Sau cơn mưa, đường vương đầy mạng nhện, nếu đi không cẩn thận, chân sẽ bị mắc vào mạng nhện.
“Á, lại mạng nhện nữa.”
Tôi xua lớp mạng nhện bám trên đầu.
“Sau cơn mưa, sao lại có nhiều mạng nhện vậy?”
Mio hỏi tôi từ phía sau.
“Không biết vì sao. Có thể bọn chúng đang vội sửa lại mạng nhện đã bị người đi đường phá hỏng.”
“Bọn nhện này thật kiên trì.”
Đi được một đoạn đường chúng tôi dừng lại.
“Để anh cho em xem thứ này hay lắm.”
“Thứ gì cơ?”
“Gì thế, gì thế ạ?”
“Anh đã cho em xem hồi chúng mình đến đây vào mùa mưa. Yuji còn nhớ không?”
“Thế hả?”
Tôi tách khỏi lối mòn, tiến vào sâu trong rừng. Mio và Yuji bỏ xe đạp lại, đi theo tôi.
Lá rụng thành từng lớp, phủ đầy trên cỏ dại mọc um tùm dưới chân, khiến việc đi lại hơi khó khăn. Đi được khoảng năm mươi mét thì tôi dừng lại.
“Em nhìn kìa.”
Tôi đứng sang một bên để không cản tầm nhìn của hai mẹ con.
“Ôi, hoa!” Yuji hét lên. “Nhiều hoa chưa!”
Đó là hoa ngọc trâm. Hàng trăm bông hoa ngọc trâm chụm lại thành một chùm hoa trắng nhỏ.
“Em không nhớ à? Trước đây anh chỉ cho em rồi đấy.”
“Khi nào?”
“Hình như là năm kia.”
Năm ngoái, vì Mio ốm nên tôi không vào rừng vào mùa mưa.
“Năm kia là cách đây bao lâu? Lúc con sinh ra ạ?”
“Con phải đến đây rồi thì mới dẫn con đến đây được chứ. Lúc đấy con bốn tuổi.”
“Thật ạ?”
“Thật.”
Lạ thật, Yuji nghiêng đầu.
“Con chẳng nhớ gì cả.”